Thứ nhất, về kế hoạch đầu tư, tôi nhất trí với các quy định về việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm tại Chương III của dự thảo luật. Chúng ta đã có thực tiễn tốt về việc ra kế hoạch đầu tư trung hạn 3 năm 2013 - 2015 và tới đây là kế hoạch 2014 - 2016 đối với các công trình dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên tôi đề nghị xem xét, bổ sung các quy định về kế hoạch đầu tư dài hạn đối với những dự án lớn mang tính chiến lược, thực hiện trong nhiều năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và lâu hơn nữa, kế hoạch này có thể nằm riêng hoặc nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn. Kế hoạch đầu tư dài hạn chỉ mang tính định hướng, không cần quá cụ thể, chi tiết và được điều chỉnh theo từng giai đoạn.
Việc xác định kế hoạch đầu tư dài hạn sẽ cho thấy rõ khả năng cân đối vốn và có thể khởi công mới các công trình dự án hay không? Thể hiện ý chí, cải cách mạnh hơn nữa, tránh được tình trạng phê duyệt nhiều dự án không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn đến dàn trải, dở dang, lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư.
Hiện đang có rất nhiều các dự án lớn quan trọng của nhà nước về giao thông, thủy lợi với tổng mức đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng và được thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ, ví dụ đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, đường tuần tra biên giới, các hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi, Cẩm Trang, Sông Nghèn, Tân Mỹ, Tà Pao, Bắc Bến Tre, các hồ Krông Pách Thượng, Bản Mồng và nhiều dự án lớn khác rất cần có kế hoạch đầu tư dài hạn.
Thứ hai, về phân cấp quyết định giữa Trung ương và địa phương, ngoài các quy định tại Chương II về chủ trương đầu tư và lập thẩm định phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, tôi đề nghị xem xét bổ sung quy định về phân cấp quyết định và cơ chế để thực hiện các dự án đầu tư mang tính vùng, liên vùng phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đã được phê duyệt, tránh để tình trạng bị chia cắt theo địa giới hành chính nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Quy định phân cấp đầu tư dựa trên năng lực quản trị của địa phương, có thể nghiên cứu không nhất thiết quy định phân cấp giống nhau trên toàn quốc để khuyến khích các địa phương tăng cường năng lực quản trị tài chính công và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, về hợp tác công tư. Do tính chất đặc biệt của hình thức đầu tư này là hợp đồng dài hạn 20 đến 30 năm với sự tham gia của nhiều bên, nhạy cảm về xã hội và tiểm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Tôi đề nghị luật quy định chi tiết hơn về trình tự thủ tục, nội dung quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức hợp tác công tư thay vì giao cho Chính phủ như quy định ở các Điều 18, Điều 23 và Điều 30 của dự thảo luật.
Trong tình hình cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển còn khó khăn nên cần quan tâm đặc biệt đến việc thu hút huy động các nguồn lực tài chính của xã hội để thực hiện một trong ba khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tôi thấy cần dành một chương để quy định về hợp tác công tư và sau này khi có điều kiện sẽ xây dựng thành một luật riêng. Hơn nữa Khoản 6, Điều 4 đã định nghĩa dự án hợp tác công tư là các dự án được đầu tư từ một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư công. Trên thực tế dự thảo Luật đấu thầu và các nghị định kèm theo đã quy định khá rõ về hình thức hợp tác công tư.
Bên cạnh đó đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đã và đang được sử dụng rộng rãi và đã có các nghị định của Chính phủ được ban hành và áp dụng trong nhiều năm như sớm nhất là Nghị định 77 năm 1997 và gần đây là các Nghị định số 108, số 24 của Chính phủ và Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung trong dự thảo nghị định để đầu tư theo hình thức hợp tác công tư đi kèm theo dự án luật này có thể được đưa thành các quy định của luật để có tính pháp lý cao hơn, minh bạch hơn, tránh để xảy ra tình trạng tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án.
Trong luật cũng cần quy định nhà nước chủ động nghiên cứu, tính toán khả thi, công bố danh mục các dự án hợp tác công tư thay vì để các nhà đầu tư tư nhân đề xuất. Đồng thời chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước ngay từ khi lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để làm vốn góp hoặc thực hiện các nghĩa vụ của mình trong các dự án hợp tác công tư.
Ý cuối cùng, về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, hiện nay Quốc hội đang chuẩn bị xem xét Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và chắc chắn dự án luật này sẽ có các quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên trong hoạt động đầu tư theo hình thức hợp tác công tư có thể có vốn góp giữa nhà nước và doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước là một trong các chủ thể liên quan. Do đó tôi thấy cần có các quy định pháp lý cụ thể hơn về các dự án hợp tác công tư có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước cùng với các nhà đầu tư tư nhân khác trong dự án Luật đầu tư công.
Huy Khiển
(Lược ghi)